Bệnh "sĩ" chính là căn bệnh…sĩ diện mà không ít phụ huynh của chúng ta đã mắc phải và hậu quả của nó làm nhiều teen điêu đứng vì rơi vào tình thế khó xử…


Biểu hiện bệnh: Bóp méo sự thật!
Căn bệnh này chủ yếu làm cho các bậc "bề trên" cảm thấy "tự sướng" vì "thành tích" (ảo) của con em mình…Thậm chí trong nhiều cuộc trò chuyện với hàng xóm láng giềng, ba/mẹ cứ vô tư lăng xê con của mình…tới bến mà không nghĩ đến con mình có đúng như vậy hay không.

T.N (sv trường TC) tâm sự: "Ba mình rất sĩ diện, mình lên thành phố chỉ để học trung cấp nghề mà gặp ai ba mình cũng nói mình học…đại học ở thành phố, hic, mỗi lần về nhà mình đều không dám ra đường vì sợ hàng xóm..."hỏi thăm". Với M.L (sv 1 trường CĐ) thì lại khác, M.L thi đậu trường cao đẳng nhưng L không thích nên quyết định năm sau thi lại (đại học). Oái oăm thay, ba L bắt L phải học vì đã...lỡ nói với hàng xóm L thi đậu đại học và sẽ học thành phố. L đã nói chuyện với ba nhưng vẫn không được gì, L mà cãi là lại... "Đừng gọi tao là ba nữa"(?!).

T.D (hs trường T) thì đang đau đầu vì những lời "có cánh" của mẹ mình. Chuyện là một hôm mẹ đi rước D ở lớp học thêm nhưng vì D chưa học xong nên mẹ của D tán gẫu với cô hàng nước trước cổng trường. Ngày hôm sau vào lớp, D ngạc nhiên vì ánh mắt của mọi người, một bạn nói với D "Tao quen mày lâu vậy mà hông biết nhà mày giàu vậy đó, ba mẹ mày mở tiệm vàng còn anh mày thì đi làm ở nước ngoài…", D phát hoảng vì sự thật nhà D cũng có tiệm nhưng chỉ là tiệm bán…khóm ở ngoài chợ mà thôi còn "anh" thì nhà toàn con gái làm gì có ông anh nào! D về cằn nhằn với mẹ thì được phán một câu "Mẹ làm vậy cho con nở mày nở mặt với bạn bè mà còn trách nữa hả!". Chẳng thấy nở mày nở mặt đâu chỉ thấy tụi bạn đã bắt đầu trêu D là "con gái chủ tiệm vàng", đến bây giờ D vẫn còn cảm thấy ngại vì những lời tâng bốc của mẹ mình.

H.Q và N.V (hs trường L) là hàng xóm của nhau đã lâu, Q. thường sang chở V. đi học. Một ngày nọ Q. vô tình nghe mẹ V. tâm sự với bà hàng xóm rằng "Thằng Q. nó thấy con tui nhà giàu nên mới theo dụ dỗ. Bà nghĩ sao mà nói thằng Q và con gái nhà tui quen nhau vậy, nhà nó nghèo vậy làm sao xứng với con gái tui chứ…". Và kể từ hôm đó Q. không còn đến chở V. đi học nữa. V. có gạn hỏi thì Q. chỉ trả lời "V. hỏi mẹ V. đó"...

Căn bệnh này còn được biểu hiện như một "nét đẹp" của gia đình. Nhiều gia đình đã chọn phương pháp này như một cách để thể hiện gia đình mình là một "gia đình văn hóa".


Ngoài mặt họ lúc nào cũng niềm nở với khách, làm cho bất cứ ai đến nhà của mình đều phải thốt lên "nhà mày hạnh phúc quá" hay "ba mẹ cậu thật tử tế"… Nhưng thực ra mặt trong của vấn đề chỉ người trong nhà mới hiểu. K.H (hs trường M) sống trong một gia đình mà theo bạn thì hầu hết người lớn đều di truyền căn bệnh này. H. bức xúc: "Trước mặt bạn bè mình thì mình xin gì ba mẹ cũng cho, mình làm gì cũng được nhưng khi bạn bè mình về thì những lời hứa đó chỉ là lời gió bay, nhiều khi còn bị mắng vì tội dắt bạn về nhà…".

H.S (sv trường KT) cũng từng bị sốc vì căn bệnh này của mẹ mình. S. đã vô tình nghe thấy cuộc trò chuyện của mẹ S. và một người bạn ở xa. Mẹ S. vô tư kể về S. nào là học giỏi, từng đạt học sinh giỏi toàn quốc, sau này dự định mua cho S. một chiếc tay ga và cho S. đi du học bất cứ lúc nào S. muốn…H.S thật sự sốc vì thật ra bên ngoài S. mà được một nửa như lời mẹ nói cũng mừng, đến khi khách ra về S. hỏi mẹ vì sao nói thế thì mẹ S. trả lời như không có gì "Cô ấy đến đây chỉ để khoe mẻ về con gái của mình nào học giỏi chăm ngoan…mẹ nói lại như vậy cho cổ cứng họng luôn"!


Phân tích bệnh lí
Hình ảnh

Bệnh "sĩ" ở người lớn là một căn bệnh xuất phát từ những áp lực mà các bậc phụ huynh của chúng ta phải đối mặt hằng ngày từ bạn bè, hàng xóm đến tiếng tăm của gia đình. Căn bệnh này làm cho sự thật mà người lớn thốt ra bị bóp méo đi ít nhiều, và dù biết sự thật không được như lời nói của mình nhưng người lớn vẫn nói với thái độ rất…chắc chắn. Điều này khiến cho người ngoài tin răm rắp nhưng người trong nhà thì thom thóp lo sợ vì sự thật chẳng được như vậy.


Căn bệnh này làm cho các bậc phụ huynh hài lòng nhất thời mà không cần biết đến hậu họa về sau. Nhiều phụ huynh không biết rằng chính căn bệnh này đã làm cho các teen đánh mất niềm tin vào gia đình và nặng hơn là không dám đối mặt với những người xung quanh vì sợ họ biết sự thật về mình không như lời của ba hoặc mẹ đã từng nói. Nếu giải thích thì người ngoài sẽ biết ba/mẹ mình là người không tốt còn nếu để yên như thế thì lúc nào cũng phải sống trong cảnh dối trá…Nhiều teen đành chọn con đường tiếp nối những lời sĩ diện của gia đình để rồi trở thành một người lúc nào cũng có thể nói khác sự thật.


Bắt mạch cho thuốc
Hình ảnh

Căn bệnh này sẽ trở nên rất nguy hiểm nếu như các teen nhà ta không nhúng tay vào chữa trị, cha mẹ đã như thế mà con cái vẫn im lặng thì chẳng biết nó sẽ nặng đến đâu. Nếu gia đình bạn đã có dấu hiệu bị nhiễm bệnh thì hãy nhanh chóng làm sạch bệnh bằng cách thử trao đổi với ba/mẹ, làm cho họ hiểu rằng nói như thế chỉ làm cho mình trở nên xấu đi trong mắt mọi người mà thôi.


Hãy cho ba mẹ biết bạn cảm thấy như thế nào mỗi khi ba mẹ nói dối chỉ vì sĩ diện gia đình. Ngoài ra, bạn cũng phải hứa rằng sẽ cố gắng học tập để có thể trở thành người con đáng tự hào trong mắt ba mẹ, đến lúc đó thì chẳng cần ba mẹ phải nói vì ai ai cũng biết (hehe…). afro